Đó là buổi đầu gặp gỡ, hai người va vào nhau khi cùng lao vào nhà vệ sinh. Trước khi đóng sập cửa phòng vệ sinh, nàng còn ném cho anh một ánh nhìn đầy vẻ kiêu kỳ. Lần thứ hai, hình như nàng đã rời quán trước, bỏ anh lại khiến anh chống chếnh gần hai năm qua. Họ chưa phải là tình nhân, cũng chẳng phải là bạn bè, nhưng có thể giận nhau đến hai năm chỉ vì một lý do rất đỗi khó hiểu. Lý do gì thì chỉ có người trong cuộc mới hiểu, nhưng quan trọng là cuối cùng họ lại có cuộc hẹn này.
Vừa bước vào quán, nàng vứt mạnh túi xách xuống bàn, cằn nhằn:
- Không biết chọn chỗ nào thơm hơn để hò hẹn à? Có biết đây là dòng sông bẩn nhất nước không hả? Thật là khéo chọn.
Anh bật cười khi thấy người con gái đang đứng trước mặt mình đã hai năm trôi qua mà vẫn chẳng thay đổi gì. Nàng vẫn trẻ con, nông nổi, đầu chưa kịp nghĩ, lời nói đã đến tai người khác. Vẫn với vẻ mặt kiêu kỳ, nàng hất hàm hỏi:
- Trông anh đẹp trai hơn đấy. Nghe nói dạo này công việc của anh khá bận rộn. Thế cũng tốt, còn hơn là “nhàm cư vi bất thiện”. Mà anh mải nghĩ gì vậy, hai năm gặp lại em, anh không thấy vui à?
- Anh đang nghĩ việc hẹn em đi uống cà – phê thế này có phải là “bất thiện” không?
- Anh cứ liệu hồn. – Nàng nguýt anh một cái rõ dài.
Họ ngồi bên nhau hàn huyên đủ thứ chuyện.
Nàng kể nhiều lần chuyển chỗ làm vì gặp toàn mấy ông sếp hay chọc ghẹo mình. Nàng thao thao kể mấy lần bị tai nạn, vì vừa đi đường vừa mải nghe điện thoại hoặc ngắm mấy cái áo bày trong tủ kính ở shop thời trang. Nàng không quên kể về con mèo đốm vẫn được nàng bế ngủ cùng đã theo mèo đực đi đâu mất. Tiện thể, nàng kể luôn mấy cuộc tình thoảng qua cho này tháng bớt rộng dài. Sau khi kể lể một hồi nàng ngó sang anh xem thái độ thế nào. Anh cười bảo: “Người đâu suốt ngày chỉ quan tâm mấy chuyện nhảm nhí”. Nàng xì một tiếng rõ dài.
Trước khi chia tay, nàng bảo:
- Quán này bao nhiêu năm rồi mà chả thay đổi gì, nhất là núi gió sông và nhà vệ sinh chung lối dễ khiến nam nữ đụng đầu.
- Ừ, lần sau có hẹn hò cũng lại là chỗ này nữa nhé.
Nàng thụi nhẹ vào ngực anh, chả hiểu sao cả hai cùng cười nắc nẻ. Thế là buổi chiều đã trôi qua.
Sáu năm trước, họ đã gặp nhau, lúc cả hai còn trẻ. Nàng tốt nghiệp chuyên ngành quản lý văn hóa và làm chuyên viên Công Đoàn tại một công ty may mặc có tiếng. Quen nhau một thời gian, anh thắc mắc: “Một người như vậy sao làm Công Đoàn được nhỉ? Nàng trẻ con, kiêu kỳ lại hay nổi nóng, chỉ làm bạn với nàng cũng đã đủ mệt chứ làm sao mong chờ nàng “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”.
Tuy nhiên, dần dà anh tìm thấy ở nàng nhiều điều thú vị. Nàng có thể mắng người khác chỉ vì một lý do bé bằng con kiến, nhưng nếu thấy ai buồn, nàng có thể ngồi hàng giờ bên họ với bọ mặt buồn thiu, dĩ nhiên là rất thật lòng. Nàng đanh đá thì khỏi nói, nhưng nhiều lúc lại hiền khô và yếu đuối khiến người bên cạnh chỉ muốn ôm nàng vào lòng thật chặt. Nàng nhạy cảm và đầy lòng tự trọng, đây có lẽ là lý do khiến cuộc giận dỗi giữa anh và nàng kéo dài đến hai năm. Nàng là một cô gái mỏng manh, xinh đẹp và quyến rũ. Hỡi ôi, nàng mà làm nũng thì nửa số đàn ông trên thế giới này không thể không yêu nàng.
Anh và nàng quen nhau được bốn năm, quấn quýt như đôi chim bồi câu trong hành trình sống. Cả hai đã trải qua nhiều vui buồn, cũng đã thấy nếu thiếu nhau, lòng sẽ không vui. Nhiều lúc vì lo lắng cho nhau mà một trong hai người đã chạy xe trong đêm, xuyên cơn mưa giông chỉ để nhìn thấy nhau, thế nhưng sao cất tiếng yêu khó thế.
Bỗng một ngày, anh nói muốn mời nàng đến thăm gia đình mình. Nàng thoáng chút bất ngờ xen lẫn lo lắng, những vẫn đồng ý sẽ ghé thăm nhà của anh vào Chủ nhật tuần tới.
Dù quen nhau đã bốn năm, nhiều lần anh ngỏ lời mời nàng đến nhà chơi, nhưng chưa bao giờ nàng đến. Đơn giản vì nàng sợ nhà giàu, nói như một thế giới hoàn toàn khác với cuộc sống của nàng. Nếp sống và cách nghĩ của người thành phố so với người nông thôn đôi khi khác nhau như giữa hai nền văn hóa. Không biết có phải vì nàng quá mặc cảm hay chỉ vì lòng tự trọng, nhưng nàng sợ người ta chê nàng sinh ra ở nông thôn, lớn lên trong sự nghèo khổ nên không môn đăng hộ đối. Nàng sợ người ta nghĩ mình giống một kẻ đào mỏ, bám theo con trai của người ta mà lợi dụng, vòi vĩnh hơn là tình yêu đích thực. Nói chung, nàng sợ đối diện với ánh sắc lạnh của người ta và phải nghe những câu nặng nề.
Nàng đến thăm gia đình anh trong chiếc đầm màu hồng, mái tóc xõa và gương mặt trang điểm nhẹ nhàng. Hôm ấy, nàng trông thật duyên dáng. Nàng vào bếp trổ tài nấu nướng, nói vài ba câu chuyện làm quà để tạo sự gần gũi với gia đình anh. Sau một hồi trò chuyện, mẹ anh hỏi:
- Bố cháu làm gì?
- Dạ thưa bác, bố cháu làm ruộng ạ.
Nàng vừa trả lời vừa ngẩng mặt lên và thấy gương mặt của mẹ anh biến sắc, miệng lắp bắp: “Làm ruộng?”. Từ đấy trở đi, dù giọng mẹ anh có dịu dàng, dù mọi người trong nhà tỏ ra vui vẻ, nàng vẫn thấy căn nhà lạnh lẽo và những người sống ở nơi đây đều trở nên xa lạ. Nàng bước đi thận trọng, nhẹ nhàng khi động vào đồ đạc, e dè khi chạm vào mắt người khác. Nàng phải làm như thế vì đây không phải là ngôi nhà ba gian, chưa kịp trát tường của mẹ. Từng câu nói, từng bước đi của những người trong nhà này đều toát lên vẻ sang trọng và kiểu cách.
Anh cầm tay nàng, nhẹ nhàng hỏi: “Em có thấy vật gì trên ngón măng của mình không? Đây là lần hẹn cuối, chúng ta không được phép lỡ hẹn nữa nhé, em yêu”
Nàng đã nghĩ đến cảnh nếu hai gia đình gặp nhau, chắc chắn bố mẹ nàng chẳng biết phải nói chuyện gì dù người ở quê vốn cởi mở, dễ gần. Khi chia sẻ những ý nghĩ này với anh, nàng mong chờ anh trấn an mình cho bớt hoang mang, nhưng lại nhận ở anh một câu nói bông đùa:
- Em thật khéo lo. Anh mời em về thăm nhà chứ có phải về ra mắt gia đình đâu nào?
Anh còn chưa tỏ tình em nữa đấy.
Nàng nhìn vào mắt anh rất lâu, thấy mình như vừa bước hụt, lòng tự trọng bị tổn thương. Dẫu chỉ là câu nói đùa, nhưng lúc này, nó như một gáo nước lạnh tạt vào niềm kiêu hãnh của nàng. “Vậy là bốn năm bên nhau chẳng có ý nghĩa gì, chỉ có mình ngộ nhận về mối quan hệ với anh”, nàng nghĩ.
Bấy nhiêu cũng đủ khiến nàng rời xa anh suốt hai năm không một lời giải thích. Thỉnh thoảng, họ có chạm mặt nhau trong một cuộc vui nào đó hoặc biết thông tin về nhau trong một câu chuyện của bạn bè. Chỉ thế thôi.
Chẳng hiểu lý do nào đó khiến họ tìm lại nhau ở cái tuổi không còn trẻ, nàng hai mươi tám, anh đã xấp xỉ ba mươi hai. Một hôm, mẹ anh hỏi thăm: “Cô gái mà con dẫn về nhà hai năm trước đâu rồi? Con bé ấy đẹp người mà cũng có vẻ nết na, sao không thấy đến đây chơi nữa?”. Anh chỉ cười trừ rồi mắt trước mắt sau chuồn mất.
Lần sau, mẹ lại hỏi:
- Sao lâu lắm không thấy con dẫn ai về thăm nhà vậy?
Anh trả lời cho xong chuyện:
- Chắc tại con ít duyên nên chẳng ai thương.
Từ hôm nghe anh nói vậy, mẹ lên chùa khấn nguyện đều đặn nhưng vẫn thấy con trai lông bông, lẻ bóng. Mẹ than trời, bảo không biết kiếp trước ăn ở thế nào mà kiếp này mong có mỗi con dâu và cháu nội cũng khó khăn. Anh cười trách mẹ: “Mẹ chưa gì đã ầm ĩ, chuyện đâu còn có đó, vội gì”.
Anh ngồi nhớ mấy hôm trước khi trở nàng đi qua khu đô thị, tạt qua công viên, nàng nằng nặc đòi dừng xe chỉ để ngắm mấy đứa trẻ con ngồi lái ô – tô đồ chơi và ngoan ngoãn nuốt từng thìa cháo. Lúc đi qua bờ hồ, nàng dán mắt vào mấy tiệm áo cưới và nói: “Sau này lấy chồng, nhất định em phải cưới vào giữa mùa hè để được mặc váy cưới hở vai, lưng trần, ôm bó hoa sen và chụp ảnh thật gợi cảm. À, nhưng cưới vào mùa hè sẽ không được hưởng tuần trăng mật trên Sa Pa vào mùa đông nhỉ?”. Nàng tỏ vẻ ước ao được nhìn thấy tuyết một lần. Anh trêu:
- Chắc thèm lấy chồng rồi hả?
- Đâu có đâu. Em chỉ…
Thấy nàng không nói thêm gì, nhưng một lúc sau lại e dè dựa nhẹ vào vai anh, khe khẽ hát, anh bỗng thấy vui. Lúc chia tay, anh bảo:
- Em cũng nên tính chuyện chọn váy cưới đi là vừa, giữa mùa hè rồi còn gì. Nhanh nhanh, không thì hoa sen lại tàn mà anh cũng không đợi thêm được nữa.
Nàng nguýt anh một cái, bảo:
- Chuyện đó liên quan gì đến anh. Rõ là…
Anh nhìn dáng nhỏ nhắn của nàng khuất sau cánh cửa sắt rồi chìm vào bóng tối trong ngõ trọ sâu hun hút mà thương nàng quay quắt. Nhà vốn nghèo nên nàng phải bươn trải từ rất sớm giữa thành phố này. Niềm vui thì ít mà nỗi buồn thì nhiều, biết bao lo toan đổ lên đôi vai yếu mềm, bé nhỏ của nàng. Dù nàng cố giấu mình bằng vẻ kiêu kỳ, nhưng anh vẫn đọc được đôi mắt nàng nỗi cô đơn và khao khát được bao bọc, chở che. Từ trong sâu thẳm trái tim mình, anh muốn làm bờ vai cho nàng dựa. Duyên số đã một lần vô tình đẩy anh và nàng rời xa nhau hai năm, nhưng trong giây phút gặp lại, anh tự nhủ không bao giờ để tuột tay nàng thêm lần nữa. Nàng phải là người con gái của anh, thuộc về anh.
Ngay tối đó khi trở về nhà, anh bảo mẹ:
- Mẹ chuẩn bị có con dâu rồi. Đó là cô gái lần trước con dẫn về, mẹ có ưng không?
Mẹ mất mấy đêm không ngủ, tính sao để tổ chức một đám cưới thật đầm ấm cho con, để con gái người ta về làm dâu nhà mình không thấy ngỡ ngàng, để mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu yên ấm. Thôi thì cứ coi nó như con đẻ, sai sót gì sẽ dạy bảo từ từ. Đôi lúc bà nghĩ thông gia là người dưới quê, việc qua lại hơi phức tạp, nhưng bù lại được đứa con dâu chịu khó, chịu khổ từ tấm bé nên sau này sẽ biết cách vun vén cửa nhà. Bà nghĩ, chủ yếu chúng nó thương yêu nhau và sinh một đứa cháu nội để bà ẵm bồng cho đỡ cô quạnh tuổi già. Vì thế, dù con trai chưa thưa chuyện cưới xin nghiêm túc, chưa đưa con dâu tương lai về bàn chuyện trăm năm, bà đã định liệu đâu vào đấy như thể một đám cưới hoàn hảo sắp diễn ra.
Mấy ngày này, anh thấy hồi hộp quá, chưa biết nói thế nào để nàng gật đầu làm vợ mình, nói sao để nàng đừng giận dỗi mà vùng vằng bỏ đi lần nữa. Anh đã chọn nhẫn đính hôn, đúng kiểu mà nàng thích, nhưng chưa biết phải chọn địa điểm nào để cầu hôn nàng. Sau rất nhiều giờ suy nghĩ, cuối cùng anh gọi cho nàng, hẹn:
- Tối Chủ nhật ở quán cà – phê cũ nhé, có chuyện quan trọng muốn nói.
Nàng xì một tiếng rõ dài, bảo:
- Sao anh nói gì trống không thế? Mà anh cũng khéo chọn chưa kìa, lại bờ sông Tô Lịch. Thế có chuyện gì, anh không thể nói qua điện thoại được sao?
- Đã bảo chuyện quan trọng nên không thể nói tùy tiện được, mất cảm xúc.
Nàng cười bảo: “Ừ thì hẹn”. Cả tuần, nàng hồi hộp, mong cho ngày qua nhanh để đến Chủ nhật. Hôm nay chắc chắc hẳn sẽ là một ngày vui, nàng sẽ bớt kênh kiệu một chút, sẽ ngoan hơn một chút vì cũng chẳng còn trẻ trung gì để có thể giận hờn nhau mãi. Thậm chí nàng còn nghĩ, nếu anh nói yêu nàng, nhất định nàng sẽ gật đầu ngay và không cần suy nghĩ vì trái tim nàng thực lòng muốn vậy. Nàng sẽ học cách chấp nhận cuộc sống của gia đình anh, dù biết trở thành một nàng dâu thảo, một người vợ ngoan chắc khó lắm, nhưng thôi, nàng sẽ cố gắng. “Ừ, chưa gì mà mình đã tính chuyện xa xôi”. Nàng tự trách.
Nàng chọn một chiếc đầm thật đẹp, tự làm tóc, trang điểm nhẹ nhàng trước khi xuống phố để đến chỗ hẹn.
Thỉnh thoảng, nàng lại liếc soi hai chiếc gương trên xe xem gió có làm phai màu son môi hay làm rối mái tóc của mình không. Nàng hơi chạnh lòng khi vô tình thấy những nếp nhăn nơi khóe mắt. Nàng chưa ba mươi tuổi và chưa nhận được lời tỏ tình nào sao đã vội có nếp nhăn? Nàng vẫn bôi kem dưỡng vùng mắt mỗi tối và đắp dưa chuột hàng tuần, vậy mà tuổi xuân vần tàn nhẫn trôi qua. Hình như tóc nàng khô và xơ, da nàng đã sạm đen mất đi vẻ quyến rũ. Nàng cũng nhận ra ngón tay của mình quá thô, làm sao để có thể đeo nhẫn đính hôn cho đẹp. Nàng bỗng nhiên buồn khi thấy mình ngày một già đi và lo anh sẽ chê khi nắm bàn tay hay nhìn vào khóe mắt của mình. “Hôm nay, đường sá đông đúc và ngột ngạt”, nàng thở dài.
Anh chờ nàng ở quán cà phê, nhấp nhổm nhìn đồng hồi mấy lượt mà vẫn chưa thấy nàng đến. Anh định gọi cho nàng, nhưng lại sợ nàng đang đi xe không tiện nghe điện thoại. Anh tự trách mình vì muốn gây sự bất ngờ nên đã không qua đón mà để nàng đi một mình như thế tệ thật. Anh nhủ lần này sẽ cố gắng để hai đứa về một nhà, đón đưa nhau cho tiện. Nghĩ vậy, tự nhiên anh thấy mặt nóng bừng.
Anh đã hơn ba mươi tuổi, nhưng tính đến chuyện tỏ tình sao bỡ ngỡ còn hơn hồi mười tám. Anh hết nhìn đồng hồ lại nhìn xuống hộp nhẫn cầu hôn đang nắm chặt trong tay. Anh cầm tách cà – phê trên bàn giờ đã nguội, nhấp một ngụm nhỏ. “Choang”, anh giật mình bừng tỉnh, tách cà – phê rơi xuống sàn vỡ từng mảnh.
Anh thấy bất an, đã qua giờ hẹn mà nàng vẫn chưa đến. Anh vội tính tiền để chạy về xóm trọ của nàng, lòng đầy lo lắng: “Hay là nàng biết ý định của mình nên đã từ chối lời cầu hôn?”. Vừa dắt xe ra khỏi quán, chuông điện thoại của anh reo, đầu dây bên kia, giọng một người phụ nữ nói vội: “Anh là người nhà của Loan phải không? Tôi thấy số này trên nhật ký những cuộc gọi đến gần đây nhất trong điện thoại nên đã gọi cho anh. Anh đến bệnh viện đi, Loan vừa bị tai nan”. Anh loạng choạng leo lên xe phóng đi.
Nàng tỉnh dậy sau một tháng hôn mê trong phòng cấp cứu. Cũng từng đó thời gian, anh xin nghỉ không hưởng lương để luôn ở bên nàng. Anh thầm cầu nguyện nàng mở mắt, để thấy chiếc nhẫn cầu hôn mà anh đã đeo vào ngón áp út của nàng.
Hôm nay, ước nguyện của anh đã thành sự thật. Nàng được chuyển sang phòng hồi sức. Khi thấy gương mặt tiều tụy, hàm râu lởm chởm cả tháng chưa cạo của anh, nàng mỉm cười, còn anh rơi nước mắt.
Nàng nhớ lúc ngã xuống đường sau cú va chạm mạnh, hình ảnh anh vẫn chập chờn trong trí óc nàng. Nàng nhớ anh đang đợi mình trong quán cà phê bên bờ sông Tô Lịch.
Anh cầm tay nàng, nhẹ nhàng hỏi: “Em có thấy vật gì trên ngón măng của mình không? Đây là lần hẹn cuối, chúng ta không được phép lỡ hẹn nữa nhé, em yêu”.
Lần này đến lượt anh mỉm cười, còn trên khuôn mặt nàng, những giọt nước mắt lăn dài.