Tôi trèo qua một dãy đất cao, băng qua mấy lùm cây dại rậm rịt hoa muống biển để đến được đồi cát đó. Chỗ đó, ngay giữa ngã rẽ của một con sông nhỏ đổ ra biển, được chắn bằng những bờ đá kè và những bao cát to chắn nước mặn của hồ nuôi tôm...
Hồ nước mênh mông xanh rợn, chi chít những cánh quạt nước màu xanh đỏ nằm chỏng chơ giữa nắng chiều miền trung gay gắt. Hồ hoang lạnh đến rợn người. Thảng hoặc có đôi đứa trẻ đi dò săt vụn bằng máy dò kim loại trên cát. Một thoáng giật mình, tôi bấm máy. Cố thu hết vào khung hình loại máy ảnh kỉ thuật số của mình những bức hình chân thực dùng làm tư liệu.
Thực ra, tôi đến đây không phải để chơi. Cũng chẳng phải để làm việc. Mà chỉ là muốn đến. Đến cái chỗ ngày hai đứa chúng tôi bắt đầu có tình ý với nhau, đưa nhau đến và cũng từ đây hai đứa chia tay nhau. Thực ra cũng không nên to tát làm gì, bởi nếu kể chuyện này ra chắc ai cũng phì cười. Cười cái sự ngốc nghếch đến hồn nhiên của những người lần đầu phạm lỗi. Nhưng như thế không hẳn là người trong cuộc có thể quên được nhau. Rồi lại nhớ, lại đau khổ lại khát khao ấm ức trong lòng không nói được ra.
*
Buổi sáng, nắng tươi như ấm nước chè xanh mới om. Gió nồm nam thổi mát rượi. Cả mùa hè bây giờ mới có một ngày đầy gió tươi vui như thế. Thuỳ đứng bên lan can nhìn xuống sân nhà í ới gọi tôi hồn nhiên:
- Mày đi chơi không, hôm nay đẹp trời quá.
Tôi phì cười trước cái vẻ hào hứng của nó. Hai chúng tôi đi khắp nơi trong thành phố tìm hoa về trồng trước sân nhà. Lũ trẻ con chạy xung quanh xắng lên giúp mẹ. Thuỳ nói trống không nhưng để dành cho tôi.
- Đời người chẳng biết thế nào là hạnh phúc.
- Ù - tôi húng hắng ho - tối hôm qua, Mỹ lại đàm phán với triều tiên về tên lửa đạn đạo đấy.
- Mày đừng nghĩ đến chuyện thời sự nhiều. Mặc xác chúng. Rồi quay ra công kích tôi.- Đàn bà mà nghĩ nhiều đến chính trị là mau chết lắm. chết nhanh như bệnh di căn đấy, phát hiện ra đồng nghĩa đối mặt với cái chết.
Tôi im lặng. Không phản đối cũng chẳng đồng tình. Thực ra, tôi cũng đang bị một căn bệnh di căn không tránh khỏi. Nó ám ảnh tôi hằng ngày ngay cả lúc này và trong cả giấc mơ. Không định hình, không gọi tên được. Nhưng tôi biết căn bệnh đó, một loại bệnh đựoc gọi chung bằng cái tên: thích- những -cái không- bao - giờ- có - được. Bệnh đó có ở nhiều người. Nó làm cho người mình đau khổ vì thiếu vắng nó. Nó khi là tiền bạc, chức quyền, khi là tình cảm lẫn lộn. Trên đời này có bao nhiêu người thì bấy nhiêu người mang bệnh. Căn bệnh của tôi lại có tên là anh.
Anh đứng sững trước mặt tôi như từ trên trời rơi xuống. Thế mà đã nhiều năm qua chúng tôi chia tay nhau. Cũng bất ngờ như thế này. Anh đứng sững nhìn tôi rồi quay đi không nói một lời nào. Giờ cũng thế. Tôi thoáng giật mình rồi cố làm ra vẻ thản nhiên. Nỗi thản nhiên đến bất cần như hẳn rằng anh chẳng hề tồn tại một cắc nào trong đống trí nhớ hỗn độn của tôi cả. Hai đứa im lặng nhìn nhau. Rồi không thể nhìn như thế được lâu, cả hai đều nhìn ra ngoài đường. Trời đã về chiều. Ánh nắng nhạt vàng như lắt cắt củ nghệ tươi bên vườn mẹ tôi. Màu vàng ươn ướt, ánh lên giữa vạt đất nâu ẩm thấp. Dân gian hay có cái mẹo chữa lành vết thương bằng củ nghệ. Theo thời gian, những vết sẹo cũng lên da non rồi biến mất. Tôi nhìn cái màu nắng, thứ màu được cắt ra từ cái củ nghệ ấy liệu có làm trái tim tôi bớt đau, khi anh đang ngồi cạnh tôi: thứ tác nhân gây bệnh vẫn đang còn hiện hữu. Nhưng không giữ được im lặng. Anh mở lời. Tuy hơi ngập ngừng nhưng anh đã phá tan bầu im lặng cố hữu.
- Những năm qua, em sống thế nào?
Trái tim tôi đau nhói. Tôi sống thế nào ư. Kẻ đánh cắp trái tim lẫn tuổi xuân của tôi lại hỏi tôi những lời vô nghĩa lí như thế đấy bằng một giọng mềm không thể mềm hơn được, ấm không thể ấm hơn được. Tôi cố thủ mình bằng một giọng giễu nhại:
- Tốt và không thể tốt hơn được.
Rồi cười lớn. Tiếng cười của tôi làm tôi giật mình. Hình như thấy quen quen. Tiếng cười bỡn cợt đắc thắng ấy tôi đã quên từ lâu lắm rồi để đến bây giờ nhớ lại vẫn còn ngờ ngợ.
*
Ngày 1.4. Giỗ Trịnh. Ngày chủ nhật. Trời mưa. Khu tập thể buồn như một tiếng thở dài không báo trước vừa chực thốt ra lại ứ nghẹn ở cổ. Không còn ai. Hôm qua, Thùy gọi điện bảo đi nước sốt cùng gia đình nhưng cáo ốm. Tự nhiên thấy buồn buồn. Nhét chiếc headphone vào túi rồi lao ra ngoài đường. Trời zíc zắc mưa.
Tôi đứng trên thành cầu nhìn dòng nước đang chảy xiết. Nhét tai nghe, mở nhạc. Giọng Khánh Ly khàn buồn. Anbuml Sơn ca số 7 những ca khúc phiêu diêu: tuổi đá buồn, tình nhớ, cho một người nằm xuống, ướt mi, dấu chân địa đàng...nghe mà như không, hát theo mà như không. Chợt thấy dòng nước dưới chân mình chao đảo. Nước đùng đục cuồn cuộn chảy. Chắp hai tay trước ngực, khéo chiếc áo măng tô dài che khín cổ. Năm ấy, hình như nhuần hai tháng hai. Sang tháng tư rồi nắng vẫn còn yếu ớt. Những cơn gió lạnh và mưa đông vẫn còn hiện hữu. Tôi đứng mặc nhiên giữa cơn mưa nhẹ nhàng không để ý đến mọi người xung quanh đang nhìn mình một cách nghi ngờ. Họ lo lắng, họ băn khoăn. Rồi một người tách khỏi đám đông đi lại lắc vai tôi:
- Thôi, cô gái, đừng nghĩ quẩn.
Tôi giật mình:
-Nghĩ quẩn. Tôi ngạc nhiên tắt tai nghe. Tại sao tôi phải làm như vậy?
Người đàn ông ngạc nhiên. Rồi thở phào. Mọi người cười ồ thoải mái rồi tản đi. Chợt nghĩ, thấy vui, hóa ra cuộc đời có nhiều điều mình không hề biết tới.
Tôi đứng lặng một mình, chợt nhận ra, người đàn ông đứng ở đầu cột cầu. Không nhìn tôi. Anh mặc chiếc áo mangto màu tàn thuốc- màu của bầu trời lúc đó. Nói trong hư không:
- Cô đang nghe headphone nhưng ông ấy không biết. Mấy hôm nay, người tự tử nhiều lắm. Tôi tưởng hôm nay được trông thấy một người.
Tôi bực mình nhìn người đàn ông lạ:
- Đồ độc ác. Anh thích nhìn người ta chết lắm à? Mà tôi có quen biết gì anh đâu mà anh muốn tôi chết.
Người đàn ông quay lại nhìn bộ mặt cau có của tôi rồi cười. Nhìn anh, nụ cười rộng rãi và hài hước làm tôi bớt bực bội.
- Nhưng cô có chết đâu- rồi thở dài- giỗ Trịnh. Buồn quá.
Tôi im lặng. Anh im lặng. Cả hai đứng như thế, không nói với nhau một lời nào cho đến khi đêm xuống. Đêm. Cả dãy đèn hai bên thành cầu bật sáng. Sương giăng giăng bay. Tôi đứng lặng khéo chiếc khăn màu lá đỏ trùm lên tận cằm toan bước đi. Người đàn ông đứng quay lại, nét mặt vui vui:
- Tôi mời cô cafe.
- Lí do gì?
- Vì chiếc khăn màu đẹp quá...màu của thời gian.
Bao nhiêu tháng ngày trôi qua, tôi cũng không còn nhớ nữa. Chỉ biết được rằng, kể từ khi bàn tay tôi có thể trọn vẹn đặt vào lòng bàn tay anh một cách tin tưởng, chúng tôi vẫn giữ thói quen đứng chơi bên thành cầu. Mùa hè nước trong xanh ngăn ngắt một màu. Mùa thu lặng tờ buồn tẻ, dòng nước lững lờ kéo mấy khóm lục bình trôi trôi dưới chân cầu nở hoa tim tím. Mùa đông nước chuyển sang màu đen thẫm, cuồng nộ và dữ dội những cột nước xoáy hung dữ. Tôi nghĩ dòng sông giống anh. Không hiểu từ bao giờ tôi có ý tưởng so sánh như thế. Thời gian làm chúng tôi quá hiểu để rồi trở thành không hiểu.
Có khi ngồi một mình, tôi chợt nghĩ, không hiểu mình thích anh ấy ở điểm nào nhưng chịu. Không thể nào giải thích nổi. Khi lũ bạn túm tụm khen một anh chàng nào đó, bình phẩm về họ. Tôi tuyệt nhiên không tham gia. Có một điều không nên nói ra, nhưng tôi có một điểm yếu đó là không thể nhớ nổi người đàn ông mình đã gặp trước đó trông như thế nào. Tôi không biết tại sao, nhưng đúng là như vậy. Tôi chưa bao giờ ấn tượng một người đàn ông chỉ vì anh ta đẹp.
Với anh cũng không là một ngoại lệ. Có lẽ tôi sẽ quên anh ngay trong buổi tối hôm đó nếu anh không đưa tôi đến một phòng trà. Người ta thắp đầy nến trắng và hoa hồng. Ở giữa, một bức ảnh nho nhỏ. Trịnh đang ôm đàn phiêu diêu hát. Đêm nay, một đêm tưởng nhớ con người nhạc sĩ tài hoa đa tình ấy. Rồi anh hát, hát như say như quên hết tất thảy xung quanh. Chỉ đến khi tôi nhận ra, bàn tay tôi đã nằm trong tay anh tự bao giờ.
Tôi đã tự vấn mình không biết bao nhiêu lần: tại sao tôi có thể yêu anh mau đến thế. Tôi cố nhắm mắt, hình dung khuôn mặt anh. Hết làm như thế lại nhìn bức ảnh của anh lưu trong điện thoại. Vẻ ngoài đó không mảy may quyến rũ. Nhưng tôi chợt nhận ra rằng, giữa anh và tôi có một tín hiệu đặc biệt. Nó giống như những cơn sấm đì đùng báo hiệu một cơn giông lớn. Hay như loài ngựa có thể nghe thấy một tiếng động lạ từ rất xa sắp đến. Lần đầu tiên nhìn anh, có những dấu hiệu mà bằng trực giác của mình, tôi biết đó là lực hút, dù thích hay không nó cũng đẩy hai người đến với nhau không thể cưỡng lại được. Ngay từ khi anh nhìn tôi, lần đầu tiên, ngay trên cầu hôm đó, tôi đã linh cảm rằng giữa tôi và anh có một cái gì đó thật đặc biệt. Không thể là thoáng qua, nó sâu sắc lắm, rõ lắm. Rõ như thửa ruộng vừa được cày xới sau cơn mưa thành những đường cày mới lật. Đất đen mịn, ẩm ướt, có mùi của thảo mộc dập gãy. Không thể gọi tên được đó là loại cây nào. Khi là đám cỏ lông chông, lúc nhúm đuôi gà, khi cây cỏ sữa...quyện lẫn với mùi đất ngai ngái mà thành. Tôi cảm nhận được trong anh có tôi, đôi lúc nó giống như mùi Chane. no 5 nhưng đôi lúc cũng giống như quả táo chín. Nhưng nói chung, tất cả những thứ đó đôi lúc rõ ràng hiển hiện nhưng đôi lúc lại mơ hồ như ảo giác.
Tôi nằm một mình trên căn gác nhỏ. Nhìn bầu trời qua cửa kính tầng 2 đóng kín. Phòng mát lạnh, nhiệt độ để 25 độ C, đủ để đắp một tấm ga mỏng quanh người. Tôi nhìn ra bầu trời. Một khoảng trống màu xanh ngắt. Chéo một tí, ngọn cây bông gòn cổ thụ xập xòe lá rung rung trong gió. Ngay trên ngọn cây, hai con chim chích chòe đang ríu tít nhảy từ đám lá này sang đám lá khác. Đời tươi vui, nhìn qua cửa kính, ánh nắng không đến nỗi gay gắt. Se sẽ cuối trời có đám mây trắng hình song mã đang phi nước kiệu. Ngay phía dưới chân con ngựa có một túm mây màu hồng trông như máu loãng.
Tôi với tay bấm điện thoại. 4 cái tin nhắn, 2 cuộc gọi lỡ. Của anh. Tôi đã từ chối những thông tin về anh để tự mình xác thực lại tình cảm của chính mình. Tôi đã yêu hay chính tôi đang vin vào anh như một chỗ dựa để bù đắp những thiếu thốn về tình cảm. Cuộc đời! Khi người ta đủ đầy về vật chất lại có khát vọng cao hơn về tinh thần. Làm gì trên đời này có mấy ai thỏa mãn. Tôi cũng thế, anh cũng thế. Tôi vứt máy lên gối. Chẳng đọc tin cũng biết anh đang nao núng vô cùng. Anh đang đứng ở ngã ba đường, một con đường dẫn anh về với gia đình, một con đường có tôi. Nhưng rồi anh không thể nào chọn lựa.
Tôi đã lựa chọn thay cho anh. Dẫu có trăm ngàn lần đau đớn tôi cũng chọn cho anh con đường đúng nhất. Con đường không có tôi. Dẫu con đường anh đi không thể có hoa hồng nhưng tôi biết, cuối con đường đó, anh có thể ngả mình bình yên mà ngủ say trên cánh võng hồn nhiên như một đứa trẻ.
*
Tôi một mình đi xuống bờ dốc của con đường, ra sát đến bờ sông. Bên cạnh dòng nước, dưới đáy những đám rong rêu xanh nhờ. Những chiếc lá khô nổi bệp bềnh, giống như những con cá chết, bụng ngửa lên trời. Tôi nhặt một hòn sỏi, lăn lăn nó trong lòng bàn tay rồi thả vào trong túi áo. Trời chơm chớm rét. Gió ràn rạt thổi trên đám lau sậy, vẽ thành những đường lượn như sóng. Không có anh. Tự nhiên tôi cảm thấy buồn như mình vừa mất đi một lượng không khí lớn. Mệt mỏi, khó thở. Hai tay đút sâu vào túi áo lấy headphone. Thấy đau, cạnh hòn đá sắc cứa vào tay một vết cứa. Máu từ từ thấm ra từ vết cắt nhỏ xuống và tan nhanh vào dòng nước đang sóng sánh. Tôi nhớ cách đây ít hôm, Thụy gọi điện vội vàng:
- Mau đến đây ăn cơm, hôm nay, bố bọn trẻ tiếp khách. Có anh bạn thân làm cùng cơ quan vừa chuyển được vợ con từ quê ra, nay đến chơi nhà.
Không hiểu sao từ lúc nhận lời mời này, tôi băn khoăn liên tục. Không muốn đi một tí nào. Nằm chán. Đồng hồ điểm 11h mới miễn cưỡng đứng dậy đi.
Tôi đứng trong phòng bếp bày biện món ăn cùng Thùy. Khách chưa đến. Thùy vừa gắp thức ăn vừa cười cười nhìn tôi đang nhún nhảy theo điệu nhạc Belley dance mà bé con vừa mới mở. Tôi kéo Thùy vào điệu nhảy. Bao giờ cũng thế, chúng tôi là một cặp, hiểu tính nhau, hiểu sở thích của nhau. Thùy dáng mảnh lắc lắc hông điệu nghệ xoay xoay bên cạnh tôi cười cười. Chúng tôi vừa làm vừa nhảy đến quên không biết khách đã đến từ lúc nào. Chồng Thùy đứng trước mặt vỗ tay cười ngất.
Tôi nghiêng người tránh cho Thùy đi ra chào khách rồi lại dọn bàn ăn. Không hiểu sao tôi lại lén nhìn ông khách lạ ấy. Không ai có thể hiểu được tôi lúc này. Trước mặt tôi là anh. Anh đang ngồi với vợ và các con của mình. Tim tôi đau nhói. Tôi đã không lường trước một sự gặp gỡ tình cờ như thế này. Đã dặn lòng phải chấp nhận thế mà trái tim tôi vẫn không chịu nổi. Toan đứng dậy bước đi, thì chồng Thùy đã nhanh nhẹn kéo tôi ra phòng khách:
- Giới thiệu với bạn đây là Huệ Anh- người bạn thân nhất của vợ tôi.
Tôi đứng im như phỗng. Trong một phút, tôi cảm nhận thấy trái tim anh đông cứng như nghẹt thở. Mặt anh biến sắc. Tôi nghe tiếng vợ anh thì thầm bên tai anh "cô ấy xinh quá". Anh cười. Tôi cười. Không ai hiểu nụ cười ấy nhợt nhạt, miễn cưỡng và vô vị đến nhường nào. Chỉ có anh hiểu và tôi hiểu.
*
Sau cái lần gặp nhau tình cờ ấy. Tôi viết giấy xin nghỉ phép rồi trốn biệt. Tôi đi ra phía biển. Mùa này biển vẫn còn lạnh lắm. Gió ầm ào dữ dội tung bọt trắng xóa. Tôi ngồi bên thềm nhà. Ngôi nhà nghỉ đơn lẻ hình chóp nhọn lợp bằng lá cọ, sàn lát gỗ như nhà sàn lành lạnh. Buồn. Cô đơn. Mặc. Không có gì để định nghĩa được cho dáng ngồi của tôi lúc ấy. Tôi nhắm mắt. Trên đầu tôi là cuồng nộ tiếng gió và sóng biển. Trần Hiếu hát Phôi pha của Trịnh Công Sơn trông giống như người đàn ông mặc áo măng tô choàng dài, đầu đội mũ phớt, miệng hút thuốc đi trong rừng cao su ào ào lá đổ. Người đàn ông đó có vừa có chút lãng tử, phiêu du vừa có nỗi buồn thăm thẳm hằn sâu trong ánh mắt. Tôi khóc. Hình như trong tận cùng nỗi đau người ta lại thấy nhẹ nhàng hơn nhiều, tôi thấy mình giống như ngọn núi lửa. Âm ỉ đau khổ là thế trong thẳm sâu lòng đất nhưng khi đã tuôn trào dòng nham thạch lại thấy nhẹ nhàng. Nhẹ như màu của bông hoa tường vi bên hàng rào đang cho hoa rực rỡ.
Tôi tản bộ ra biển. Chân đất. Váy dài đến mắt cá lươt thướt. Tóc không buộc bay lòa xòa trước trán. Tôi nhận ra chính tôi trong bộ dạng trễ tràng chán nản khác với tôi ngày thường như thế. Tôi ngồi trên cát, cát âm ẩm ướt dưới chân rin rít. Tôi ngồi thế thật lâu cho đến khi chợt giật mình vì tiếng anh bên cạnh. Tôi như không tin vào mắt mình nữa:
- Anh biết, thể nào em cũng đến đây
- Nói dối- tôi cộc lốc
- Em mất hết linh cảm về anh rồi sao?
- Không hẳn thế, nhưng em không nghĩ là anh đến
- Nói dối- anh đáp lại lời tôi nhẹ nhàng.
Bao giờ câu chuyện của chúng tôi cũng bỏ lỡ giữa chừng như thế. Tôi không hoạt ngôn khi đứng trước anh. Những lúc ngưng nghỉ để tìm lời đối đáp cũng đã khiến anh thắng thế rồi, đành im lặng. Gió rin rít trên những ngọn dương lao xao. Tôi rùng mình. Anh cởi chiếc áo choàng ngoài màu tàn thuốc khoác nhẹ lên vai tôi trách móc:
- Em tưởng em khỏe lắm à?
- Em chịu được.
- Cố chấp, lì lợm, bướng bỉnh và độc ác- anh tuôn một tràng dài đoạn ôm lấy tôi- nếu em muôn trốn chạy, cứ trốn chạy đi. Anh sẽ bắt được em khi nào anh muốn.
Tôi rùng mình nhắm mắt. Trong phút chốc tôi thấy mình chạy trong rừng sâu thăm thẳm. Sương giăng trắng trời che hết cả lối đi. Tôi nhìn lên trời định hướng, chỉ là một hốc sâu thăm thẳm mịt mờ. Tiếng hú u u vang vọng. Tôi chạy ào xuống dốc, đá tai mèo cứa vào chân rát buốt. Mùi ngải cứu gãy dập ngai ngái. Mùi tanh của máu làm tôi bừng tỉnh.
Căn nhà chòi chật hẹp chỉ đủ đặt một chiếc giường nhỏ và vài thứ vật dụng cá nhân khác. Anh ngồi bên cạnh, bàn tay nồng ấm đặt lên trán tôi thì thầm:
- Em sốt rồi. Vì anh
- Không- tôi khóc- vì em chứ. Thôi anh về đi.
*
Đêm xuống thật nhanh trên biển. Ngọn hải đăng đầu ngọn núi xa xa nhấp nháy đưa đường. Tôi tựa lưng vào tường, ngay chỗ bậc thang lên xuống. Ánh điện hắt bóng tôi đổ dài như một thân cây gãy. Chợt thấy nhẹ lòng. Tôi chia tay anh nhẹ nhàng như thế. Trong mỗi tiếng thở dài của mình, tôi và anh đều hiểu. Rốt cuộc rồi cả hai chúng tôi, hai con người bơ vơ, hai con người cô đơn nhất vũ trụ này cũng giống như hai vì sao xa xa thôi. Trông thấy nhau bằng nhấp nháy của hàng triệu năm ánh sáng.
Tôi trở về. Thụy khóc:
- Thôi, chẳng thà mày cứ ở trước mặt tao mà bàn về Triều Tiên và tên lửa đạn đạo còn hơn cứ mất tích mà chẳng hề thông báo.
- Ai thèm bắt cóc tao - tôi câng câng cãi.
*
Chiều. Biển xanh hổ phách. Tôi thơ thẩn vác máy đi rông. Cũng chẳng định làm gì. Lũ trẻ con dân biển đen trùi trũi lăn trong đống lá dương khô chia nhau một ít lạc luộc. Tôi nhập vào hội bọn chúng bằng những thứ thành phố xa xỉ: bim bim, xúc xích, đưa tận tay, dí tận miệng chúng mới dám nhẹ nhàng cắn một miếng. Thật tội, đó cũng là cái bệnh mà tôi đã mắc nhưng chỉ gọi theo tên khác mà thôi: thích -những- cái- mình- không - thể- có.
Biển. Sóng và gió. Thằng bé con bên cạnh tay mân mê chiếc máy ảnh của tôi. Tôi mở máy cho chúng xem những bức ảnh đã chụp. Thằng bé hồn nhiên hết nhìn lần lượt lũ bạn rồi nhìn tôi. Ánh mắt chan chứa cảm phục.
- Cô sướng thật.
- Sướng gì- tôi tò mò
- Cô có được những cái mình muốn
- Không phải thế- tôi cười- cái cô cần là những thứ khác cơ
- Thứ gì?- lại đến lượt thằng bé tò mò.
Tôi im lặng không nói, nằm đánh ngả lên đám dương khô nhìn lên bầu trời. Bầu trời trong xanh không một gợn mây. Dưới bàn tay đang gối đầu của tôi, đám dương khô mềm mịn xào xạo. Thằng bé nằm ngửa ra cát, cũng nhìn lên bầu trời nói một mình:
- Nắng thế nhỉ, nắng đến nỗi không có lấy một bông mây nào.
Nói rồi nó quay sang tôi, khuỷu tay chống xuống đất, đầu ghé sát mặt tôi hỏi nhỏ:
- Theo cô cái gì là quan trọng nhất?
- Sức khoẻ- tôi nói kiểu sách vở.
- Không phải thế- thằng bé vặc lại- cháu có sức khoẻ nhưng cháu không được làm những gì cháu muốn.
- Vậy cháu muốn gì?
- Cháu muốn làm những gì mình thích và chịu trách nhiệm về nó.
Thằng bé nói rồi đứng dậy đi. Chỉ còn tôi ngồi lại một mình. Không hiểu sao tôi thấy đầu óc mình trống rỗng kinh khủng. Tiếng kêu rè của chiếc máy dò kim loại làm đầu tôi đau buốt. Trong cơn đau ấy, tôi nhìn thấy anh. Anh đứng giữa ngã ba đường đông đúc xe cộ qua lại. Những làn xe đan nhau ngăn cách hai chúng tôi bằng những rào cản vô hình. Hai người đứng lặng nhìn nhau, không có ai có ý định băng qua con đường đầy xe ấy. Cả hai đều không muốn phạm luật. Chúng tôi đã sống quá nguyên tắc, quá cứng nhắc và cố chấp.
Tôi trở về thành phố rộn rịp . Đem hững bức ảnh chụp ở biển ấy gửi đi dự thi rồi quên mất. Thời gian cuốn tôi đi thật nhanh bằng những tất bật của ngày. Tôi đã học được cách chấp nhận và yêu thương cuộc sống mà mình đang có. Dẫu phải công nhận rằng, đôi lúc lòng mình thấy quặn đau. Ngẫm ra, tôi đang tự trốn chạy khỏi ảo khát của chính mình bằng những trách nhiệm và bổn phận đè nén nhiều lúc làm mình phát cáu. Những lúc ấy, tôi lại nghĩ đến biển chiều với những cuộn sóng oàm oạp cô đơn mà nghĩ về thân phận mình với những dày vò kinh khủng.
Chiều ngả màu. Tôi phóng xe thật nhanh đến Trung tâm trưng bày triển lãm những bức ảnh thời sự. Giấy mời đến từ sáng sớm nhưng quên mất. Trước mặt tôi là hình ảnh thằng bé, nụ cười trong veo nhưng ánh mắt có vẻ già trước tuổi đang nhìn tôi như giận hờn như trách móc. Tôi nhìn thấy tôi sau ánh sáng loá của tám kính nơi bức ảnh. Một khuôn mặt rúm ró đến sợ sệt, một màu da tái nhợt đến yếu đuối. Thằng bé hay chính tôi đang đối diện với những sợ hãi, yếu đuối của chính mình?
Tôi phóng xe ra biển. Biển thâm quầng lại dưới lớp sóng mạnh mẽ của buổi triều dâng. Tôi đi qua con đường cát trắng dài về sâu trong xóm chài nhỏ bé nhưng vẫn không tìm thấy thằng bé. Hai bên hàng dương, lốm đốm những cây thánh giá bé nhỏ lẫn chìm vào trong cát trắng.